15 thg 6, 2010

Văn hóa làng xã và triết lý phát triển

Ngày nay, nghe rất nhiều vĩ từ nói về văn hóa, ít ai thích chữ làng xóm quê mùa. Phải chăng những nét đẹp của nôi văn hóa làng xã bị bỏ qua, nhưng tính tiểu nông vẫn còn trong tư duy.

Một lần ra Hà Nội, thấy nhà cao tầng lắp ghép ở Thành Công, bố tôi thích lắm. Nhưng khi vào căn hộ trên tầng 4, cụ ngạc nhiên. Nhà anh cửa không ở chính giữa, không có ngưỡng cửa, hai gian thông thống, bàn thờ để đâu? - Bố cổ quá rồi, bây giờ ai làm thế.

Cụ thở dài, ngưỡng cửa để người ra vào phải cúi xuống, vừa không bị vấp nhưng cũng là cúi đầu bàn thờ tổ tiên để gian giữa. Anh đi xa quên hết rồi.

Mấy hôm nay, tầu xe bắt đầu chật chội, bận rộn hơn. Hàng triệu người hối hả về quê ăn Tết. Buồn thay những người không có nơi để về hay không thể thăm nơi cố hương. Trong số về làng, còn ai bước qua cái bậu cửa, nghiênh mình trước tổ tiên!

Từ thời xa xưa, làng xã là tổ chức cộng đồng khép kín. Đình làng thờ thành hoàng, tổ chức lễ hội. Lũy tre và cổng làng là điển hình của biên giới và cửa khẩu của “làng gia” với những luật lệ riêng.

Gia đình, dòng tộc cũng đóng góp phong phú thêm truyền thống làng xã. Về quê gặp ông trưởng tộc, tuổi còn rất trẻ nhưng già trẻ vẫn phải thưa gửi. Con cái ăn khoai sắn thay cơm nhưng nhà thờ họ, giỗ họ, mộ tổ phải to.

Sau lũy tre chứa đựng những điều tốt đẹp và cả bất cập. Mọi sự phát triển, tụt hậu, chiến thắng hay thất bại đều dựa vào truyền thống ấy. Gọi mỗi người Việt Nam là một trai làng cũng không ngoa. Vì quả thật, họ được sinh ra trong cái nôi bản sắc văn hóa làng xã đó. Phải chăng đó là triết lý cho phát triển một đất nước với 70%-80% nông dân.

Truyền thống làng xã thời chiến tranh và bao cấp

Trải qua gần nghìn năm Bắc thuộc, rồi mấy cuộc xâm lăng của gần đây, làng xã và lũy tre là pháo đài chống giặc, sàng lọc luôn cả văn hóa ngoại lai. Lời kêu gọi “cứu nước cứu nhà” đưa về từng làng xóm, “đóng cửa bảo nhau” đã vận động và đưa ra tiền tuyến hàng triệu thanh niên.

Hợp tác xã là một biến thể khác của kiến trúc làng xóm. Với tư duy làm chủ tập thể, nghĩa là ai cũng là chủ nhưng không ai muốn…làm. Nông dân ta vốn cần cù đi sớm về muộn nay được đi muộn về sớm. Bao nhiêu ruộng đất, trâu bò được cho vào chung. Đình làng, chùa chiền được đập đi và xây nhà kho đựng lúa, phá hỏng cái nôi văn hóa làng.

Mô hình HTX đã gây thảm họa vì khuyến khích thói quen “cha chung không ai khóc”. Bầu bán gây mất đoàn kết nghiêm trọng vì các dòng tộc thi nhau vận động để người của mình được vào ban chủ nhiệm.

Truyền thống làng xóm đem lại chiến thắng trong chiến tranh nhưng thất bại trong xây dựng một thời vì hàm lượng văn hóa làng xã trong những quyết định khác nhau.

Thời hội nhập và hệ lụy

Cũng may có đổi mới - hay còn gọi là sửa sai quá khứ. Người nông dân làm chủ đồng ruộng thực sự. Từ nước phải nhập lương thực, dân đói khát, ăn bo bo thay gạo, Việt Nam xuất khẩu gạo, đứng thứ 3 trên thế giới. Lũy tre giúp cho hạt gạo thành đô la.

Tham gia WTO, rồi mở cửa. Từ chỗ 80% dân sống dưới mức nghèo khổ nay còn 15%. Nhiều trai làng đã ra thành phố để lại miền quê phía sau. Và “tre làng” đang len lỏi mọc trong hành xử của dân chúng, trong trí thức và cả người lãnh đạo.

Thời thế đã đổi thay. Cổng làng là internet gateway. Đôi khi, khó mang “lệ làng tôi” ra tranh cãi với quốc tế với những khái niệm và giá trị chung của nhân loại về quyền con người, dân chủ, tự do thông tin, minh bạch hay công lý.

Phương Tây tôn trọng tính cá nhân trong mỗi con người. Phương Đông cho rằng cộng đồng quan trọng hơn. Người Việt trồng những bụi tre bao gồm rất nhiều cây đứng đan xen, cành rậm rịt và gai góc để bảo vệ làng xóm.

Phía sau lũy tre ấy cũng chứa đựng những tăm tối. Lệ làng cổ hủ, phong kiến hay tôn sùng vô thức. Lợi ích nhóm, làng anh, làng tôi, họ Nguyễn, họ Lê, để rồi tự dìm nhau. Tuyển con cháu vào cơ quan gây ra xung đột lợi ích. Kiến trúc đô thị hay hành xử công cộng được mang từ quê ra thành phố và tràn sang cả nước bạn. Những tăm tối là rào cản trong phát triển, cần được chiếu sáng.

Nguy cơ cao hơn cả là mỹ từ toàn cầu hóa có thể cuốn đi cả một đất nước, một nền văn hóa. Người ta chú trọng đến mở rộng thành phố, thêm nhà máy, khu công nghiệp, xây sân golf. Môi trường bị hủy hoại, rồi tài nguyên thiên nhiên, đất trồng trọt, làng mạc dễ bị mất vào một bàn tay núp dưới danh nghĩa hội nhập.

Thấy chuyện bẻ hoa gần đây, cô cháu viết mail, bức xúc trước chuyện người ta lên án người nhà quê một cách bừa bãi. Theo cháu, Chí Phèo bị đẩy ra khỏi cuộc sống cộng đồng làng xã, và chính cộng đồng đó – tự thân nó cũng đang bị rạn vỡ. Thế nên Chí mới phải chết trên ngưỡng cửa làm người. Dưới danh nghĩa phát triển, văn hóa làng xã đang bị lên án oan ức, bị đổ tội, bị quy trách nhiệm vì sự phát triển nửa chừng của văn hóa thành thị.

Lũy tre làng và triết lý phát triển

Đất nước đang đứng trước những thời khắc quyết định mà yếu tố văn hóa không thể tách rời và phải là cái nôi để phát triển.

Phía sau lũy tre Việt Nam là những tâm hồn yêu quê hương, gắn bó với đất nước, tình đoàn kết chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, không quên cội nguồn. Tôn ty trật tự trong làng, dòng họ và gia đình, có trên, có dưới, một xã hội có thứ bậc. Rồi kiến trúc đình làng, ngôi nhà ở quê với ngưỡng cửa và bàn thờ. Những giá trị truyền thống là cội nguồn sức mạnh từ hàng ngàn năm nay.

Là quốc gia đồng nhất về sắc dân và văn hóa, người Nhật lấy truyền thống trên dưới, tôn ti trật tự và kỷ luật lao động cho phát triển. Gia đình là tổ ấm, vai trò nam nữ ấn định rõ ràng. Nam giới hướng ngoại (soto no), nữ giới hướng nội (uchi no). Cách cúi chào bằng cách gập người xuống và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội, một dấu hiệu để tỏ lộ sự kính trọng. Nhưng họ lại dung hòa được với nền dân chủ văn minh và tự do báo chí.

Với đất nước đa sắc tộc, người Mỹ lấy yếu tố cá nhân làm chủ đạo trong phát triển xã hội, dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, có báo chí là “quyền lực thứ tư”, giám sát xã hội. Quyền con người được tôn trọng. Nam nữ bình đẳng, khác với truyền thống Nhật. Ngoài ra, sự phát triển của Hoa Kỳ dựa trên nền tảng giáo dục, gia đình và tôn trọng cá nhân. Họ dùng các nhát cắt rất rõ ràng để ra các định chế.

Người Nhật và người Mỹ đã bỏ chúng ta khoảng cách hàng trăm năm. Nhiều quốc gia khác cũng đang dùng văn hóa, truyền thống của mình để phát triển đất nước. Không thể theo người ta vì nôi văn hóa của họ rất khác. Mang truyền thống Trung hoa hay Thái lan áp đặt cho dân ta cũng thất bại. Chính sách đồng hóa của ngoại bang chưa bao giờ thành công ở đất nước này, lý tưởng lấy từ bên ngoài cũng dễ bị lũy tre chặn lại.

Nhiều nhà kinh tế hay chính trị thường quên đi giá trị của văn hóa khi ra các quyết định mà không hiểu rằng, văn hóa không những là di sản mà còn là tương lai của dân tộc. Nôi văn hóa làng xã sẽ đi theo suốt chặng đường phát triển. 80% là nông dân, 20% đang ở thành phố cũng do nông dân đẻ ra. Triết lý phát triển không thể quên yểu tố “nông dân” và cái đình làng.

Làm gì để những trai làng kia thành những công dân toàn cầu. Họ thắng giặc ngoại xâm, nhưng trong xây dựng lại chưa đủ tri thức dù lũy tre làng từ ngàn đời đã dậy cho họ tính ham học, vươn lên từ gian khó.

Người ta nói về thế hệ toàn cầu phải có tri thức giầu có, biết tiếng Anh, giỏi máy tính, hiểu văn hóa thế giới. Kể ra thì rất nhiều. Nhưng có khi nó rất đơn giản. Nếu nền giáo dục tạo ra thế hệ có tầm nhìn, độc lập suy nghĩ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm thì trước mọi bài toán của cuộc đời, họ biết làm thế nào để tìm lối ra.

Ngày nay, nghe rất nhiều vĩ từ nói về văn hóa, ít ai thích chữ làng xóm quê mùa. Phải chăng những nét đẹp của nôi văn hóa làng xã bị bỏ qua, nhưng tính tiểu nông vẫn còn trong tư duy. Vì thế, người già còn thở dài, lo đám con cháu bước qua bậu cửa, quên nghiêng mình trước tổ tiên. Những trai làng chưa thể bước ra ngoài với thế giới.
Theo: mag.ashui.com

Tags:

0 Responses to “Văn hóa làng xã và triết lý phát triển”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|