22 thg 10, 2010
Trang phục trẻ em xưa
22 thg 10, 2010 by Ana
Thông thường người mẹ có thai vài bốn tháng đã nghĩ đến việc may mặc cho đứa con bé bỏng của mình, dù chưa biết nó là con trai hay con gái, dù gia đình có của ăn của để hoặc là còn nợ nần, thiếu đói. Đứa trẻ là niềm vui của người mẹ, của gia đình. Do đó khi đứa trẻ ra đời, ngoài tã lót, thường đã có ngay những chiếc áo, chiếc mũ xinh xắn đợi chờ...
Thời kỳ này, trẻ sơ sinh có mũ thóp, thường làm bằng các loại vải nhẹ, mềm, đẹp, khâu thành hình tròn ống bề ngang khoảng 3 - 4cm, đội vào đầu đứa bé để bảo vệ thóp. Ít tháng sau, có các loại yếm dãi hình tròn, hình bầu dục...
Trẻ ba bốn tuổi, con trai mặc áo cánh ngắn buộc dây bên cạnh (thay cúc). Quần liền yếm, ở cổ yếm có hai dải nhỏ buộc ra sau gáy, còn hai dải bên cạnh buộc ra sau lưng. Thường là quần khoét đũng. Con gái mặc váy liền yếm cũng có vải dài buộc như quần con trai. Loại váy, quần liền yếm có tác dụng che bụng, che ngực, khi trời nóng không cần mặc áo nữa.
Tóc con trai thường để hai bên hai mảng tóc (gọi là trái đào), một mảng dài hơn ở giữa đỉnh đầu chải ra sau (gọi là chỏm hoa roi). Tóc con gái để một mảng ở chỗ thóp (gọi là cút trước), một mảng ở phía sau đầu để dài đến gáy (gọi là cút sau). Trẻ em được đeo các vòng tay, vòng chân, vòng cổ, khánh bằng bạc, có gắn quả nhạc, vừa để trang sức vừa có ý nghĩa giữ "vía" cho trẻ (theo quan niệm thời đó). Lên bảy, lên tám tuổi: em gái đã mặc yếm, áo cánh ngắn, ngoài mặc áo dài bốn thân màu nâu hay đen. Thắt lưng buông dải phía trước. Mặc váy hoặc quần thâm. Đầu vấn khăn, tuy tóc không có bao nhiêu, chít khăn vuông. Mùa rét mặc thêm chiếc áo bằng loại vải thô mở ngực, không dùng cúc mà có dây nhỏ buộc hai vạt vào với nhau khi cần thiết. Chân đi dép da hay guốc gỗ. Đeo khuyên (mấm) bạc.
Em trai thường mặc áo cánh và quần trắng. Đi đâu cũng mặc áo dài the thâm hoặc vải trắng. Cắt tóc ngắn, cũng có khi đội khăn xếp. Đi guốc gỗ, hoặc đi chân đất. Có em đi giày Gia Định. Ở tuổi này tóc nhiều em vẫn còn để trái đào hoặc để cút thường là con nhà nghèo.
Con nhà giàu ở thành thị, nữ mặc áo dài trắng bằng lụa hay gấm, sa tanh các màu, cài cúc cạnh sườn. Quần trắng. Đi guốc gỗ quai ngang hay giày cườm. Tóc để cút sau dài, buộc lại cho gọn hoặc cắt theo kiểu tóc Nhật Bản (phía trước cắt ngang bằng, hai bên dài hơn ở giữa nhưng cũng cắt ngang bằng, khoanh ra phía sau), hoặc dùng lược bờm gài ngược tóc lên cho khỏi xõa xuống mắt. Đồ trang sức có hoa tai đầm, kiềng vàng, vòng tay hoặc lập lắc (plaque) vàng. Các em trai cũng mặc như ở nông thôn nhưng dùng chất liệu vải quý hơn. Rất ít em mặc theo kiểu trang phục trẻ em châu Âu. Trang phục trẻ em, kể từ khi các em đi học, phụ thuộc vào tình hình kinh tế gia đình. Qua trang phục các em, người ta thấy được hoàn cảnh gia đình, bố mẹ các em. Nói cách khác, trong xã hội cũ, tính chất giai cấp đã có sự phơi bày trên bình diện trang phục của cả trẻ em. Dù cha mẹ thương con mấy đi nữa, nhưng vì nghèo, ít khi có thể cho con em ăn mặc xênh xang được.
Nhìn chung, thời gian này dù trẻ em ở tầng lớp giàu hay nghèo, quần áo và cách ăn mặc của các em không phù hợp với lứa tuổi mà giống y hệt trang phục người lớn, do đó trông các em cằn cỗi, già đi trước tuổi rất nhiều.
Theo: :maxreading.com Tags: Trang phục truyền thống
Tôi là Nguyễn Hiền
Mong chia sẽ những điều bổ ích về Văn Hóa Người Việt tới các bạn. Mong sự chia sẽ tới của bạn tại Facebook
Get Updates
Subscribe to our e-mail newsletter to receive updates.
Related Articles
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 Responses to “Trang phục trẻ em xưa”
Đăng nhận xét