25 thg 10, 2010

Ăn quà đêm ở Huế


Quán mọc bên sông Từ 5 giờ chiều bước trên chiếc xích-lô của chồng, chị Thương đặt rổ rau sống cao ngút, rổ bún trắng phau, những lọ mắm vàng nâu, bát tương ớt đỏ sánh, những xâu nem chua, đòn chả còn ấm nóng cùng với những cái tô đã được xếp thành chồng cao vút lên trên chiếc bàn nho nhỏ. Người chồng sau khi xếp lại mấy cái ghế nhựa cho ngay ngắn lần lượt treo mấy cái lồng đèn điện lên cây thong thả ngồi đợi khách đến.

Bên kia,hai mẹ con bà Hoa cũng đang bày gần chục cái nồi chè trên mặt bàn, mùi thịt nướng của quán o Huế được gió bẩy đi khắp nơi. Trong không khí phục vụ ở khu phố ẩm thực đêm dường như đã sẵn sàng...Nằm trên con đường Bạch Đằng gió lộng vừa qua khỏi cây cầu Gia Hội trầm mặc là bạn đã lạc ngay vào khu phố ẩm thực với muôn ánh đèn đủ mầu sắc và muôn vàn mùi vị thơm phức. Khoảng 50 quán san sát nhau với đủ loại món từ loại thường nhất trong đời sống của người dân Huế như bún mắm nêm, cháo lòng, cháo bánh canh đến những loại vương giả hơn như bún bò giò heo, bún thịt nướng, nem lụi đến các loại bánh chỉ có ở đây như bánh bèo, bột lọc, nậm, ít... Có rất nhiều loại để bạn chọn. Riêng chè thôi cũng đủ làm bạn băn khoăn vì không biết nên ăn món nào trước. Từ chè bắp Cồn Hến, chè trôi nước thơm mùi nếp, chè hạt sen và đậu Ngự xưa vua vẫn hay dùng đến chè bột lọc bọc heo quay ngọt béo mà không ngấy, chè đậu ván dẻo sánh, chè đậu xanh, đậu đỏ mềm lự, chè khoai tía...

Càng về khuya quán càng đông và thức luôn cùng với họ không chỉ là những người khách du lịch mà còn có cả những người Huế vốn nổi tiếng lâu nay về thói quen đi ngủ sớm. Những bàn tay thoăn thoắt múc đồ ăn, những tiếng xuýt xoa của khách và những giọng Huế đã làm cho khu phố vốn yên ả trở nên tấp nập... Phố bánh canh đèn dầu Trong lúc đường Đinh Tiên Hoàng lúc nào cũng sáng rực bởi hàng điện đường thì ở phố Hàn Thuyên ngay bên cạnh, những ngọn đèn dầu tù mù được đặt bên cạnh những cái nồi bột mỳ, bột lọc nghi ngút khói. Chẳng hiểu tự bao giờ nó có tên là "phố bánh canh khổ" cái giá 1.000 - 2.000 đồng/tô bánh canh có thể phần nào lý giải tên gọi này.

Khởi đầu là chỉ dăm quán, đến nay con số ấy đã lên đến vài chục. Không một ánh điện, tất cả đều là thứ ánh sáng được hắt ra từ mấy chục ngọn đèn dầu leo lét. Lúc chưa có khu phố đêm Gia Hội, đây được xem là nơi ngủ muộn ở Huế mặc dù từ đầu cho đến cuối phố cũng chỉ bán độc một loại món ăn mà thôi. Bắt đầu từ 15 giờ đến 2 giờ sáng, bất kể trời mưa hay nắng, những bóng người bán và người ăn cứ hắt dài và lặng lẽ trong màn đêm. Không ồn ào, không chật chội, con phố này ngày càng trở nên không thể thiếu đối với những học sinh, sinh viên nghèo, những người lao động bình dân và cả đối với những người yêu cái lãng mạn, cái thơ mộng của cái góc nhỏ thiếu sáng trong kinh thành Huế... Từ "ngõ vắng xôn xao" đến phố thuốc lào

Đó là một con hẻm đối diện với bờ bắc chân cầu Tràng Tiền và là con phố ăn khuya có bề dày tên tuổi. Người Huế đã quen gọi nó là "ngõ vắng xôn xao". Vừa từ xa, bạn đã có thể cảm nhận được trọn vẹn sự "xôn xao" của con hẻm qua những âm thanh loảng xoảng của dao, thớt, của nước đá với bia, của bát đĩa và cả tiếng người mua lẫn người bán. Nằm ngay trung tâm nên nơi đây không thiếu ánh sáng, đèn của cầu Tràng Tiền hắt lại, của hàng điện đường chiếu thẳng tới, của riêng từng quán nên cũng vì vậy mà dường như khách du lịch thích đến đây. Còn người Huế bản tính vốn rất e dè sẽ chọn những quán ít lộ thiên hơn. Với những ai mê cái tiếng rít sồn sột của ống điếu thì dẫu trời mưa dầm lạnh lẽo cũng không thể cản bước chân của họ tìm đến những quán nước nhỏ khiêm tốn ở sân ga. Một cái bàn nhỏ bày ba gói thuốc lá, một hộp kẹo lạc, một bó đóm, mấy cái ly nhỏ... đó là những gì rất giống ở bất kỳ một hàng nước chè nào ở miền Bắc.

Mệ Bảy, người đã hai mươi ba năm bán nước chè ở đây có thể đọc vanh vách cho bạn giờ đến - đi của những chuyến tàu trong ngày chẳng khác nào một cán bộ trực ban của ngành đường sắt. Vẫn đêm ngày miệt mài ở một góc nhỏ, chắt chiu từng đồng bạc lẻ mà kiên quyết không chuyển nghề bởi mệ yêu cái công việc của mình, thương những con người đêm khuya lạc bước và thích cái tĩnh lặng có chút gì rất buồn của Huế...

Những quán khuya ở Huế là những gì rất riêng, rất lạ mà cũng rất quen đối với ai đã trải qua một đêm không ngủ trên mảnh đất thơ mộng này...
Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống

Tags:

0 Responses to “Ăn quà đêm ở Huế”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|