9 thg 1, 2011

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG BÌNH THUẬN

Bên cạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, từ lâu ở Bình Thuận đã hình thành nhiều làng nghề. Những làng nghề này tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương tạo nên một số nghề truyền thống dân gian, đáp ứng nhu cầu muôn mặt của cuộc sống. Đến nay, có nghề đã thất truyền, có nghề còn tiếp nối. Tuy không đóng góp giá trị sản xuất lớn cho địa phương nhưng các làng nghề sản xuất như bánh tráng, mây tre lá đan lát thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng,..cũng đã có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân

Bình Thuận là vùng đất sản sinh nhiều ngành nghề thủ công dân gian. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30 làng nghề hoạt động, trong đó đã có 21 làng được công nhận là làng nghề CN-TTCN hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản, nước mắm, sản xuất gạch ngói, làng mía đường, bánh tráng,…Đối với lĩnh vực chế biến hải sản, nhờ có sự hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất chế biến, xuất khẩu hàng thủy hải sản với quy mô tương đối lớn nên đã góp phần thúc đẩy các làng nghề chế biến hải sản, nước mắm phát triển, trên 60% lượng thủy hải sản sản xuất chế biến đều được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… giá trị xuất khẩu bình quân các năm của làng nghề này ước đạt khoảng 30 triệu USD. Hiện một số sản phẩm đan lát hàng thủ công mỹ nghệ đã được xuất khẩu ủy thác thông qua các DN tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai,.. Trên địa bàn tỉnh có đến 6.200 hộ tham gia sản xuất tại các làng nghề này và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động chính thức và khoảng 12.000 lao động nông nhàn tại các địa phương.

Là xứ sở giàu lâm sản mây, tre, nứa, lá buông nên nghề thủ công mỹ nghệ đan lát khá phổ biến. Đôi tay khéo léo của người dân được thể hiện ở từng nan mây, thanh tre, dải lá, nút thắt, đường viền nhuần nhuyễn, tinh tế thể hiện qua từng sản phẩm.

Có thể nhận thấy nghề thủ công dân gian không bị thất truyền là dệt thổ cẩm và làm gốm.
Dệt thổ cẩm của người Chăm phần lớn tập trung ở 90% hộ xã Phan Hòa. Bông hái về phơi khô, cán lấy hột, dùng cung bắn cho bông bung ra, trải thành lớp mỏng, lấy thanh tre cuộn lại thành con bông rồi móc vào xa quay kéo sợi. Muốn sợi săn chắc không bị xù lông và đứt khi dệt thì đem ngâm nước cơm, đạp cơm, sau đó chải sợi, phơi khô, đánh ống. Muốn có sợi màu thì nhuộm lục từ cây chàm, đỏ từ lá trâm bầu, đen từ cây muông, vàng từ cây trừng. Thời công nghiệp có sẵn chỉ trắng, chỉ màu ngân tuyến, kim tuyến mua về dệt đỡ công hơn dệt từ bông xơ và chế biến màu từ lá cây rừng. Khi dệt, người thợ mắc sợi trên khung rồi ngồi trước khung đưa tay lòn con thoi qua lại và dùng dao dệt dập sợi, tạo nên tiếng kêu lách cách ngắt nhịp đều đều. Muốn tạo mô típ hoa văn, người thợ lành nghề có thể “bắt bông” cách điệu với những họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Từ bốn hoa văn cổ truyền xanh két, vàng cúc, trắng đen đi trên nền đỏ, bà con tạo ra các sản phẩm túi xách, ví, khăn, dây thắt lưng thích hợp với thị hiếu khách hàng.

Nghề gốm với những sản phẩm gốm Chăm đa dạng về chủng loại gồm đồ đun nấu, đồ đựng, khuôn bánh, sản phẩm gốm Chăm mỏng, nhẹ, bền, giá rẻ phù hợp với túi tiền dân nghèo nên được tiêu thụ nhiều trong người Chăm, người Kinh, người Thượng trong tỉnh, và ra cả ngoài tỉnh.

Ngoài những làng nghề nổi tiếng này, còn có nghề chạm khắc gỗ là nghề thủ công mỹ nghệ xưa kia rất thịnh hành ở Bình Thuận, nghề làm nhạc cụ cũng là một nghề kinh nghiệm dân gian của đồng bào Chăm. Nhạc cụ Chăm, hình thức vốn đơn giản, mộc mạc nhưng lại phức tạp về vật lý âm thanh, do đó không mấy ai có thể làm được. Hiện nay ở Bình Thuận chỉ còn một vài nơi nghệ nhân còn tiếp lục hành nghề như các ông Cả Vỗ ở Phan Hiệp, Phan Thanh... (huyện Bắc Bình). Vùng đồng bào dân tộc miền núi Raglai, Cơ Ho, rải rác vài ba xóm buôn có một đôi hộ làm kèn bầu, đàn môi, sao trúc và một ít nhạc cụ đơn giản khác bằng tre nứa dùng trong các ngày lễ hội.

Làng nghề hiện chưa trở thành điểm tham quan và là điểm đến cho du khách nhưng những mang trong mình những nét văn hóa của dân tộc trong tương lai. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng những làng nghề như dệt thổ cẩm La Dạ -Hàm Thuận Bắc, tiếp tục củng cố, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Phan Thanh- Bắc Bình, xây dựng quy hoạch chi tiết làng nghề gạch ngói Gia An- Tánh Linh. Đồng thời cải thiện môi trường làng nghề chế biến nước mắm Phú Hài- Phan Thiết bằng việc quy hoạch khu xử lý nước thải cho làng nghề, thông qua các chương trình xúc tiến hỗ trợ đầu tư, chương trình khuyến công địa phương để hỗ trợ các làng nghề về đào tạo lao động, kiến thức quản lý, tăng cường khả năng kinh doanh, chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như là tiến hành đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu,…

Theo: cuocsongviet

Tags:

0 Responses to “LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG BÌNH THUẬN”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|