Bài viết mới đăng

24 thg 2, 2016

Cách phân biệt các điểm du lịch tâm linh

24 thg 2, 2016 - by Ana · - 0 Comments

Chùa, đình, miếu, điện, phủ... đều là những công trình kiến trúc xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian, nhưng không phải ai cũng phân biệt được.
  •  
Đầu năm là khoảng thời gian nhiều người muốn đi lễ chùa, đền… cầu bình an, sức khỏe, thành công. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có sự lựa chọn điểm đến thích hợp cho bản thân, gia đình để những tâm nguyện được đặt đúng nơi đúng chỗ.
Chùa
Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng và thường là nơi thờ Phật. Trong mỗi ngôi chùa đều có tượng Phật được đặt ở giữa. Khi đi lễ chùa hay đến bất cứ ngôi đình, đền, miếu nào, bạn chú ý cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn.
Đến chùa, mọi người thường cầu bình an, sức khỏe đến việc học tập của con cái, hay chuyện làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi. Nhưng theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi đi chùa, bạn nên xin được Phật che chở, bảo vệ.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh
Chùa Đồng Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: Tamngu.
Đình
Nếu như chùa là nơi thờ Phật thì đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở các làng quê Việt Nam thờ Thành hoàng. Đây còn là nơi hội họp của người dân trong làng. Cũng chính bởi vậy, địa điểm để xây dựng đình thường nằm ở trung tâm của làng, quay về hướng có nhiều sông nước.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-1
Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Lê Bích
Đền
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố, người anh hùng có công với đất nước hay một cá nhân có công với địa phương được dân gian tương truyền như Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo…
Khi đi lễ ở Đình, Đền, bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-2
Cổng đền Thượng giữa rừng già. Ảnh: Phạm Văn Thượng
Miếu
Miếu là một loại di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn đền. Tuy nhiên, miếu lại có kiến trúc rất đa dạng với 3 gian vừa có nội điện vừa có nhà tiền tế.
Miếu có thể thờ rất nhiều đối tượng như thờ thần, thờ các bậc trung liệt có công với nước, với dân. Do đó, người dân quan niệm miếu phải được xây ở nơi yên tĩnh, trên gò cao, sườn núi để các vị thánh thần yên nghỉ.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-3
Miếu bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang. Ảnh: An Bùi
Nghè
Nghè là một dạng của đền miếu và thờ thần thánh. Nghè có thể thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thôn trong xã nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân trong thôn.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-4
Nghè Nguyệt Viên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Linh Trường
Điện
Giống như đền, điện là nơi thờ thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, điện có quy mô nhỏ hơn đền, lớn hơn so với miếu. Điện thường thờ Phật, thờ Mẫu và các vị thần nổi tiếng khác. Điện có thể do cộng đồng hoặc tư nhân đứng ra xây dựng.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-5
Điện thờ Thánh Mẫu. Ảnh: Trần Hoàng Hoàng
Phủ
Phủ là là nơi thờ tự mang tính chất trung tâm của cả một vùng rộng lớn, vượt ra khỏi phạm vi địa phương và thu hút nhiều người dân từ khắp nơi đến thờ cúng.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-6
Phủ Tây Hồ. Ảnh: Goterest
Quán
Quán là một dạng của đền gắn với đạo Lão. Ban đầu, vào các thế kỷ XI và XIV, do nặng tính thần tiên nên các quán giống như một đền thờ thần thánh. Sang tới thế kỷ XVI và XVII, điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-7
Tượng chân dung Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và phu nhân là Phúc Thành Thái trưởng Công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm tại Đạo quán Linh Tiên, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: ditichlichsuvanhoa.
Am
Am là một kiến trúc nhỏ thờ Phật, cũng có khi là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng. Ở Việt Nam, có nhiều ngôi chùa từng là các am nhỏ trong quá khứ, như Chùa Thầy từng có tên gọi là Hương Hải am, Chùa Đậu từng là Thọ am.
cach-phan-biet-cac-diem-du-lich-tam-linh-8
Hương Hải am (nay là chùa Thầy, Hà Nội). Ảnh: LangvietOnline
VnExpress

4 thg 5, 2014

Dân tộc La Ha

4 thg 5, 2014 - by Ana · - 0 Comments

Tên gọi khác: Xá Khắc, Phlắc, Khlá

Nhóm ngôn ngữ: Ka đai

Dân số :1.400 người.

Cư trú : Cư trú tại Sơn La và Lào Cai

Đặc điểm kinh tế
Dân tộc La Ha sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy theo lối du canh. Việc hái lượm rất quan trọng, thường xuyên hơn so với săn bắn và đánh cá. Ngày nay nhiều bản đã làm ruộng, biết đắp bờ chống xói mòn nương; có nơi đã biết dùng phân bón. Chăn nuôi có lợn, gà, nay có thêm trâu, bò dùng để cày kéo.

Hôn nhân gia đình

Dân tộc La Ha

Trai gái La Ha được tự do tìm hiểu nhau, không bị cha mẹ ép buộc cưới gả, tuy nhiên việc cưới gả phải được cha mẹ ưng thuận. Để tỏ tình chàng trai phải đến nhà cô gái và dùng sáo, nhị, lời hát trước khi trò chuyện bình thường. Sau lễ dạm hỏi, nếu nhà gái không trả lại trầu do bà mối của nhà trai đưa tới thì tổ chức lễ xin ở rể và chàng trai phải ở rể từ 4 đến 8 năm. Hết hạn đó, lễ cưới mới được tiến hành, cô dâu được về ở nhà chồng. Vợ phải đổi họ theo chồng.

Tục lệ ma chay
Phong tục làm ma của người La Ha, theo tục cũ, người chết được chôn theo cả tiền và thóc.

Nhà cửa
Bản của người La Ha thường có khoảng chục nóc nhà. Đồng bào ở nhà sàn, có hai cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà. Một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt nội bộ gia đình.

Trang phục

Người La Ha không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc, nên mặc giống người Thái đen.

Dân tộc Kháng

- by Ana · - 0 Comments

 Tên gọi khác: Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đón, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Aỏi, Xá Bung, Quảng Lâm.

Nhóm ngôn ngữ: Môn - Khmer

Dân số: 4.000 người.

Dân tộc Kháng
Cư trú: Sơn La và Lai Châu

Đặc điểm kinh tế
Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, trồng nhiều lúa nếp làm lương thực chính, nay nhiều nơi chuyển sang cày bừa đất, gieo hạt, có ruộng bậc thang nhưng không nhiều. Đồng bào chăn nuôi gà, lợn, trâu là phổ biến. Đồ đan : ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi... và thuyền độc mộc kiểu đuôi én của đồng bào được người Thái ưa dùng. Người Kháng thường dùng loại gùi một quai, đeo qua trán.
Đồng bào trồng bông rồi đem bông đổi lấy vải và đồ mặc của người Thái.

Hôn nhân gia đình
Tục cưới xin của người Kháng lần lượt trải qua các lễ thức sau: dạm hỏi, xin ở rể, cưới. Lễ cưới lần đầu được tổ chức cho chàng trai đi ở rể. Lễ cưới lần hai, đưa dâu về nhà chồng để gây dựng gia đình riêng. Người cậu có vai trò đặc biệt trong việc dựng vợ gả chồng cho cháu.

Tục lệ ma chay
Theo phong tục Kháng, người chết được chôn cất chu đáo, trên mộ có nhà mồ, có các đồ vật dành cho người chết: hòm đựng quần áo, giỏ cơm, ống hút rượu, bát, đũa, v.v..., phía đầu mộ chôn một cột cao 4-5 mét, trên đỉnh có con chim gỗ và treo chiếc áo của vợ hay chồng người chết.

Văn hóa

Đồng bào Khmer có các ngày lễ lớn là Chôn Chơ nam thơ mây (năm mới), lễ Phật đản, lễ Đôn ta (xá tội vong nhân), Oóc bom boóc (cúng trăng).

Nhà cửa
Người Kháng ở nhà sàn. Nhà thường có 3 gian 2 chái, mái kiểu mu rùa và hai cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở hai vách bên. Trước kia, mái ở hai đầu hồi thường được làm thẳng, hiện nay nhiều nơi đã làm mới hình mái rua như nhà Thái Đen. Mỗi nhà có hai bếp lửa (một bếp để nấu ăn hàng ngày, còn một bếp để sưởi và để nấu đồ cúng khi bố mẹ chết).

Trang phục
Cá tính tộc người mờ nhạt giống phong cách trang phục Thái đen. Phụ nữ nhuộm răng đen, ăn trầu.

Dân tộc Gié - Triêng

- by Ana · - 0 Comments

Tên gọi khác
Đgiéh, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triêng, Treng, Ta Liêng, Ve, La-Ve, Bnoong, Ca Tang

Nhóm ngôn ngữ
Môn - Khmer

Dân số
27.000 người.

Cư trú:  ở tỉnh Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng

Đặc điểm kinh tế
Người Giẻ Triêng sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, ngoài ra còn săn bắn, đánh cá, hái lượm các loại rau rừng, hoa quả, nấm... làm thức ăn hàng ngày. Đồng bào chăn nuôi trâu bò, lợn, gà chủ yếu dùng vào lễ hiến sinh

Dân tộc Gié - Triêng

Hôn nhân gia đình
Mỗi người Giẻ Triêng (trừ nhóm Bnoong) đều có họ kèm theo tên, nhưng họ của đàn ông khác với họ của đàn bà. Mỗi họ đều có kiêng k?à một truyện cổ giải thích về tên họ và điều kiêng k??ó. Xưa kia, con trai theo họ bố, con gái theo họ mẹ.
Theo tục lệ cũ, trẻ em trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà rông, khoảng 3-15 tuổi thì cà răng và sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng. Trước khi nên vợ, nên chồng, các tràng trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới. Đôi vợ chồng mới cưới thường ở nhà cùng cha mẹ vợ khoảng 3-4 năm rồi chuyển sang ở nhà bố mẹ chồng 3-4 năm, cứ luân phiên như thế cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới định cư một chỗ.

Tục lệ ma chay
Người chết được chôn trong quan tài độc mộc, có đẽo tượng đầu trâu, huyệt đào rất nông, đưa đám tang chỉ có vài người nhà và sau một thời gian thì làm lễ bỏ mả để đoạn tang.

Nhà cửa
Người Giẻ Triêng ở nhà sàn dài, nhiều nơi làm mái đầu hồi uốn khum hình mu rùa. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn xung quanh nhà rông. Khác với nhà rông của một số tộc, nhà sàn Giẻ Triêng được chia làm hai nửa bởi hành lang chạy dọc: một nửa của nam giới, một nửa của nữ giới.
Nhà người Giẻ-Trieng ở Kontum hiện nay là nhà sàn ngắn và vài hộ gia đình cùng chung sống với nhau.
Những nhà này cũng có những đặc trưng đáng quan tâm: nhà sàn mái hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai sừng trâu. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hãy còn hình thức nhử : giữa là một hành lang dùng làm lối đi, hai bên là nơi dành cho các hộ gia đình.

Trang phục
Có cá tính riêng trong tạo hình và cách ăn vận.

+ Trang phục nam
Nam giới để tóc ngắn hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu. Thân ở trần hoặc tấm "áo" khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí. Họ mang khố khổ hẹp, dài không có tua, thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng. Trong các dịp tết lễ, họ mang thêm tấm choàng rộng màu chàm có các sọc mầu trang trí phủ kín thân.

+ Trang phục nữ
Phụ nữ Gié Triêng để tóc dài quấn sau gáy. Họ không mang áo mà mang loại váy dài cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng. Đầu váy giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Gié Triêng, ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam, rất cổ truyền và cũng không kém phần hiện đại. Đây cũng là một lý do trang phục Gié Triêng được chọn vào "Làng văn hóa các dân tộc". Lối mặc váy đặc biệt là quấn mép ra trước giữa thân, đầu váy còn thừa (váy loại này thường dài - cao gấp rưỡi váy bình thường), lộn ngược ra phía trước hoặc quấn thành nhiều nếp gấp ra xung quanh trông như một chiếc áo ngắn. Phụ nữ còn mang vòng tay vòng cổ.
Trang phục Gié Triêng là ngôn ngữ riêng cùng với một số dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên là cứ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử trang phục ở nước ta.

31 thg 3, 2014

Dân tộc Chu - ru

31 thg 3, 2014 - by Ana · - 0 Comments

Dân tộc Chu - ru
Tên dân tộc:
Chu Ru (Cho Ru, Ru).

Dân số:
Trên 10.000 người.

Ðịa bàn cư trú:
Phần lớn ở Ðơn Dương (Lâm Ðồng), số ít ở Bình Thuận.

Phong tục tập quán:
Thờ cúng tổ tiên và chỉ cúng ngoài nghĩa địa. Thờ nhiều thần liên quan đến các nghi lễ nông nghiệp. Sống định canh định cư. Một gia đình gồm 3-4 thế hệ. Hôn nhân một vợ, một chồng, con gái chủ động cưới, người chồng ở rể.

Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Nam đảo.

Văn hoá:
Làng gồm nhiều dòng họ hoặc khác tộc cư trú. Ðứng đầu là trưởng làng (Pô plây), sau là thầy cúng. Có vốn dân ca , ca dao, tục ngữ phong phú.

Kinh tế:
Nghề làm ruộng lâu đời. Trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi. Nghề thủ công: đan lát, rèn và làm gốm. Nghề phụ: săn bắn, hái lượm.

Dân tộc Co

- by Ana · - 0 Comments

Dân tộc Co
Tên gọi khác
Cor, Col, Cùa, Trầu

Nhóm ngôn ngữ
Môn - Khmer

Dân số
22.600 người.

Cư trú
Cư trú chủ yếu ở huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) và huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi).

Đặc điểm kinh tế
Người Co làm rẫy là chính. Đồng bào trồng lúa, ngô, sắn và nhiều loại cây khác. Đặc biệt, cây quế Quảng là đặc sản truyền thống ở Trà My. Quế ở vùng người Co có chất lượng và năng suất cao được các địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới biết tiếng. Hàng năm quế đem lại nguồn thu đáng kể cho người Co.

Tổ chức cộng đồng
Từng làng của người Co có tên gọi riêng theo tên người trưởng làng hoặc tên sông, suối, tên đất, tên rừng.
Trong xã hội Co, các bô lão luôn được nể trọng. Ông già được suy tôn làm trưởng làng phải là người hiểu biết phong tục, giàu kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã hội, được dân làng tín nhiệm cao và thuộc dòng họ có công lập làng. Người Co xưa kia không có tên gọi của mỗi dòng họ, về sau đồng bào nhất loạt mang họ Đinh. Từ mấy chục năm nay, người Co lấy họ Hồ của Bác Hồ.

Hôn nhân gia đình
Thanh niên nam nữ Co được hiểu nhau trước khi kết hôn. Việc cưới xin đơn giản, không tốn kém nhiều. Sau lễ cưới, cô dâu về ở nhà chồng. Trước đây, hầu như người Co không lấy vợ, lấy chồng thuộc tộc người khác, nay dân tộc Co đã có những dâu, rể là người Kinh, Xơ-đăng, Hrê...

Văn hóa
Người Co thích múa hát, thích chơi chiêng, cồng, trống. Các điệu dân ca phổ biến của đồng bào là Xru, Klu và Agiới. Các truyện cổ của người Co truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe.

Nhà cửa
Trước kia vòng rào làng được dựng lên cao, dày, chắc chắn với cổng ra vào đóng mở theo qui định chặt chẽ, với hệ thống chông thò, cạm bẫy để phòng thủ... Tùy theo số dân mà làng có một hay vài một nhà ở, dài ngắn, rộng hẹp khác nhau. Thường nóc cũng là làng vì rất phổ biến hiện tượng làng chỉ có một nóc nhà. Nay vẫn thấy có nóc dài tới gần 100m.
Người Co ở nhà sàn. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà sau đó từng hộ được chia diện tích riêng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngôi nhà có thể nối dài thêm cho những gia đình đến nhập cư sau. Dưới gầm sàn xếp củi, nhốt lợn, gà.
Hầu hết đồng bào đã và đang chuyển sang làm nhà đất. Không ít người ưu kiểu nhà "xuyên trĩnh" ở đồng bằng miền Trung.
Xưa kia, khi dân làng phát triển đông đúc mà việc nối nhà dài ngôi nhà thêm nữa không thuận tiện cũng không muốn chia làng mới thì họ kiến trúc kiểu "nhà kép", mở rộng theo chiều ngang. Như vậy là người Co đã đặt song song mặt hành mặt bằng sinh hoạt của hai dãy nhà, phần gưl của chúng ghép liền với nhau, tạo thành khoảng rộng dài ở giữa gồm gưl và truôk càn hai dãytum ở đôi bên.

Trang phục
Người Co không dệt vải, vì vậy vải và đồ may mặc đều mua của nơi khác, phần lớn là mua của người Kinh và người Xơ-đăng. Theo sắc phục truyền thống, nam giới thường ở trần, đóng khố, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay, yếm. Trời lạnh mỗi người khoác tấm vải dài, rộng. Đồng bào thích đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng đồng hoặc bạc, nhưng thích nhất là bằng hạt cườm. Phụ nữ quấn nhiều vòng cườm các màu quanh eo lưng.

20 thg 3, 2014

Dư âm tết trong các lễ hội tháng 3

20 thg 3, 2014 - by Ana · - 0 Comments

Lễ hội Tây Thiên, Chử Đồng Tử - Tiên Dung hay kén rể chỉ là ba trong số hàng chục lễ hội đặc sắc và độc đáo sẽ được tổ chức vào tháng 3 này.
Dù đã hết "tháng ăn chơi" nhưng bạn vẫn có thể hòa vào không khí vui tươi, rạo rực của các lễ hội tháng 2 âm lịch (tức tháng 3 dương) dưới đây.
Hội đền Vua Bà, Bắc Ninh
Đây là lễ hội lớn nhất của thôn Viêm Xá (tức làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), nhằm thể hiện sự tri ân, biết ơn với Đức Vua Bà – người đã khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đền Vua Bà năm nay khai hội vào ngày 6/3 (tức 6/2 âm lịch), bắt đầu bằng màn trống hội tưng bừng, nghi thức chạy cờ... và diễn lại tích “ Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”. Tại lễ hội cũng diễn ra các hình thức hát quan họ: dưới thuyền Rồng, trong Đền Vua Bà, Đền Cùng, trên sân khấu trung tâm lễ hội, trong các gia đình…
Dư âm tết trong các lễ hội tháng 3
Đến lễ hội du khách sẽ được nghe những làn điệu quan họ mượt mà.
Hội Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Thiền viện Tây Thiên là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Với danh xưng đất Phật và đất Mẫu, lại được bao bọc bởi thiên nhiên, mây trời hùng vĩ, Thiền viện quanh năm thu hút du khách đến hành hương, vãn cảnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hòa mình vào không khí lễ hội của Thiền viện Tây Thiên hãy đến đây vào rằm tháng 2 âm lịch, tức 15/3. Đặc biệt, trong mùa lễ hội năm nay, tại đây còn diễn ra các chương trình hầu đồng để phục vụ du khách.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Hưng Yên
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội tình yêu) diễn ra vào ngày 10-12/2 âm lịch hàng năm ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch), huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tại lễ hội sẽ có các sinh hoạt văn hóa đặc sắc như: lễ rước nước trên sông Hồng; các trò chơi dân gian trong phần hội như bịt mắt bắt dê, đu cây...
Hội làng Bát Tràng, Hà Nội
Được tổ chức ngày 14-16/2 âm lịch tức (14-16/3), lễ hội làng Bát Tràng là dịp tôn vinh nghề gốm truyền thống và dâng lễ lên các vị Thành hoàng làng cầu xin ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Đến với làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm những ngày này, du khách sẽ được chứng kiến các nghi lễ cúng tế trang trọng và tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn như đánh cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, bịt mắt đập niêu,… biểu diễn văn nghệ tại đình. Cũng tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm và mua sắm các sản phẩm gốm của Bát Tràng.
Lễ hội kén rể, Hà Nội
Lễ hội kén rể làng Đường Yên là một trong những lễ hội dân gian độc đáo của huyện Đông Anh, Hà Nội. Được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch (tức 2/3), lễ hội là dịp để tưởng nhớ ngày sinh của bà Lê Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng, và sự kiện bà kén người tài làm chồng sau khi thắng giặc về làng. Ngoài phần lễ, phần hội kén rể có nhiều phần chơi như: múa rối, phỗng ngồi, thi cày, thi câu ếch, thi chõng chó, thi bắt trạch... rất độc đáo và thu hút du khách tham gia.
dangcongsan-6008-1393843730.jpg
Sau 60 năm thất truyền, lễ hội Kén rể Đường Yên được phục dựng từ năm 2001. Ảnh: dangcongsan.
Lễ hội Quán Thế Âm, Đà Nẵng
Lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, 17-19/3 (tức 17-19/2 âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Đây là dịp để khơi dậy truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc, tinh thần đấu tranh quật cường dựng nước, giữ nước của dân tộc cũng như lòng từ bi hỷ xả, hướng thiện. Đến với lễ hội, du khách còn được tham gia hội hoa đăng, đua thuyền truyền thống, triển lãm thư pháp, chơi hô hát Bài Chòi và xem các màn biểu diễn võ thuật truyền thống.
Lễ hội Bà Thu Bồn, Quảng Nam
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 12/2 âm lịch tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam để tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của bà Thu Bồn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam). Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, thả hoa đăng và hát bội... khiến con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của người xem từ hai bên bờ.
Lễ hội làng Rèn, Bình Định
Để nhớ ơn người khai sinh làng Rèn, cứ đến ngày 12/2 âm lịch, người Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) lại tổ chức lễ hội để quy tụ những thợ rèn ở địa phương và các vùng lân cận. Sau lễ cúng tổ và khấn nguyện quốc thái dân an là các hoạt động văn hóa sôi nổi như hát bộ truyền thống, trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm...)
Hội miếu ông Địa, TP HCM
Đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở TP HCM và Nam Bộ với các nghi thức: “gióng trống khai trang” thông báo vào lễ, “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên mang nội dung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 3/2 (tức 2/2 âm lịch) tại 125 đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp.
Lễ hội Nghinh Cô, Bà Rịa Vũng Tàu
congdoanbrrvt-1546-1393843731.jpg
Dinh Cô tại thị trấn Long Hải. Ảnh: congdoanbrvt
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ với sự kết hợp độc đáo của lễ hội Cầu ngư, tục thờ cúng Thần Biển và tín ngưỡng thờ mẫu của người dân địa phương. Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 10-12/3 (tức 10-12/2 âm lịch) tại đền Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm hiếm thấy tại lễ hội Nghinh Cô so với các lễ hội ở đây là du khách sẽ được chứng kiến lễ phóng sinh. Thi thuyền thúng, bắt cá, bắt lươn cũng làm cho lễ hội thêm phần sôi nổi và náo nhiệt.
Vy An

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|