3 thg 11, 2010

Tóc thề xứ Huế


 

Hình ảnh mái tóc thề của các cô gái Huế luôn là biểu tượng của một xứ Huế mộng mơ. Nó như biểu tượng "Sống", không thể và không bao giờ thiếu để cùng "làm nên" tất cả những gì được mệnh danh Thơ và Mộng ở nơi đây. Nếu Huế chỉ có những cái đẹp hoành tráng, mang tầm cao và uy linh lịch sử, chỉ có những cái đẹp của cảnh quan và thiên nhiên đầy lặng lẽ chung quanh..., có thể khi ấy, Huế sẽ chỉ là nơi đến cho những kẻ hành hương tưởng niệm, kẽ vãn cảnh nhàn du. Lúc ấy, biểu tượng "gợi cảm" nhất, sinh động nhất gắn liền giữa con người và bản sắc nơi đây trong thực tại sẽ là đâu? Cứ vẫn còn thơ, nhưng rồi mộng ở nơi nào? Và chính nét đẹp nữ giới xứ Huế với tà áo tím và mái tóc thề đã góp phần tạo nên cái thơ, cái mộng, cái sinh động của Huế.
Tóc thề nói chung: Có nguồn gốc từ văn hoá Trung Hoa. Tóc của người thiếu nữ ngày xưa, đến tuổi "Cập Kê" (được cài trâm) chừng mười lăm, mười sáu "trăng tròn". Khi người con gái được quyền "chính thức trang điểm" cũng là lúc có quyền có tình yêu. Tình yêu được xã hội và gia đình công nhận. Trong tình yêu họ thường chọn tóc làm tín vật trao nhau, nhắc nhở nhau đừng quên đi đối tượng tình yêu. Khi người đẹp Thuý Kiều cắt tóc, thề nguyện cùng Kim Trọng:
...Tiên thề cùng thảo một trang
Tóc mây một món, dao vàng chia hai...
Cũng có nghĩa, khi chàng Kim nhận lấy lọn tóc nhỏ kia là đã nhận luôn "quả tim" muốn gửi gắm một đời. Kiều, lấy tóc của thân mình trao gởi, tự coi như đã trao thân gửi phận cho người mình yêu dấu. Vì thế, tóc ấy cộng với Lời Thề Thốt cùng nhau mới nên nghĩa Tóc thề.
Tóc là một phần thân thế, là tượng trưng của tổ tông và huyết tộc được lưu truyền, là sinh thành do tác hợp mẹ cha, là mùi hương sự mềm dịu, một sắc màu gợi cảm "hiển nhiên" và rất "Thực" của con người. Nó không phải là đồ trang sức, mượn vào sức hào phóng giả tạo ở bên ngoài hay giá trị của bạc vàng châu báu. Bởi thế, không gì sánh được với tín vật Nhân - Thân từ biểu tượng Tóc thề: Trong văn hoá lịch sử Trung Hoa, đã có lúc "giá -trị - tóc" bị lu mờ và khủng hoảng. Triều đại Mãn Thanh phủ nhận mái tóc trong luật bắt người đàn ông người Hán cạo đầu và chỉ để "đuôi sam". Rất khác với các triều đại trước, như Triều Minh (ở trong bối cảnh Truyện Kiều của Nguyễn Du) đều coi trọng giá - trị - tóc như nhau. Điều khác biệt gần như hiển nhiên là tóc thiếu nữ Trung Hoa từ tuổi "Cập Kê" là đã phải cài trâm, quấn tóc.  Với thiếu phụ Huế, tóc được "Bối" lên (kiểu bối Việt Nam không phải cần trâm). Tóc thiếu nữ Huế không phải cài trâm nên không quấn lên cao mà có thể "Kẹp" nhưng đây không phải Trâm. Hai công dụng khác nhau rõ rệt. Vì thế, tóc thiếu nữ Huế buông dài và xoã kín bờ vai. Kiểu tóc buông tự do xa lạ với tóc cài trâm thiếu nữ Trung Hoa.
Tóc thề xứ Huế: Trong dân gian, con gái để chỉ đến người nữ chưa chồng chưa con và nhất là còn trong tuổi trẻ đầy thanh xuân, sức sống. Người Huế bảo, "Còn Con Gái" đồng nghĩa với những điều vừa nói ấy. Tóc "con gái" Huế thông thường là buông xoã tự do. Có thể "kẹp" nhưng không ảnh hưởng đến độ dài và cả độ cao của mái tóc. Tóc phủ xuống bờ vai, xuống lưng người, xuống bờ mông và nhiều khi hơn thế, có những người còn rũ xuống gót chân.
Mái tóc thề xứ Huế còn là để biểu lộ nét "nguyên trinh" chưa phải "giao thề" với ai cả. Hoặc đã có người thương càng nói lên sự chung thủy của mình. Không có "ý chi" với ai khác nữa. Có nghĩa, không việc gì phải che dấu khi nói lên sự trinh nguyên hoặc tính chung thuỷ nơi một người con gái. Vì thế, dù chưa yêu hoặc đã có người thương - miễn sao chưa xây dựng gia đình - người con gái xứ Huế vẫn luôn yêu mái tóc thề buông xõa bờ vai. Biểu tượng và cách nói thầm lặng ấy đẹp tuyệt vời như một bản sắc Tình yêu trong sáng, không nói nhưng "đã nói biết bao lời"...
Theo: maxreading.com

Tags:

0 Responses to “Tóc thề xứ Huế”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|