1 thg 12, 2010

Làng Triều Khúc – trầm mặc giữa phố phường

Thăng Long – Hà Nội đã đi qua 1000 năm tuổi và vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa còn trường tồn mãi cùng với dòng chảy của thời gian. Một trong những nét đẹp văn hóa còn được người dân Hà thành gìn giữ cho tới bây giờ đó chính là các làng cổ. Bên cạnh làng cổ Đường Lâm, làng cổ Nghi Tàm…, làng Triều Khúc cũng góp cho Hà Nội một địa chỉ văn hóa để du khách gần xa có dịp về đây tham quan. Phong cảnh, di tích, phong tục văn hóa và sinh hoạt của làng quê này vẫn mang dấu ấn từ thời khai làng lập đất.

Làng Triều Khúc thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, cách trung tâm Hà Nội 8km theo đường Hà Nội đi Hòa Bình. Về với làng Triều Khúc, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những phong cảnh nguyên sơ, mộc mạc của làng quê Việt Nam. Dường như cảnh vật nơi đây không hề bị biến đổi khi nằm ngay cạnh trung tâm kinh tế, chính trị náo nhiệt của cả nước. Những đình, đền, chùa, cây đa, giếng nước… đều giữ được những nét cổ kính từ đời này qua đời khác. Những con đường vào làng được lát gạch sạch sẽ, những mái ngói san sát nằm kề nhau tạo cho làng quê một vẻ bình dị và gần gũi. Dưới những mái ngói bạc màu thời gian ấy là những cuộc đời quanh năm gắn bó với làng quê.  

Làng Triều Khúc nổi tiếng gần xa với nghề dệt, được hình thành từ cuối Lê đầu Nguyễn. Đến nay, người Triều Khúc vẫn còn truyền nhau câu chuyện về tổ nghiệp của họ - ông Vũ Đức Úy, sống vào thế kỷ 18. Ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, học nghề dệt thao sau đó về dạy lại cho dân làng. Từ đó, Triều Khúc còn được gọi là làng Kẻ Thao bởi nghề dệt thao giúp chiếc nón quai thao trở nên mềm mại và tinh tế hơn. Cùng với nghề dệt thao, người làng còn kết hợp nghề thêu may với nghề dệt nhuộm, để làm thêm chân chỉ, tua bóng, tua cờ, lọng, tàn, trướng, y môn, tán tía, quả cù - những vật thờ và trang trí treo trong những ngày lễ tết, trong các đền, phủ và các buổi lễ hội. Trong làng, đâu đâu cũng có những cơ sở sản xuất, không khí lao động hăng say, tích cực. Họ quay sợi, dệt vải và cũng là dệt nên truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, mỗi người dân đã góp phần làm nên sự tồn tại và phát triển bao đời nay của làng Triều Khúc, tạo nên bộ mặt sung túc cho vùng quê cổ kính này.  
Nổi bật giữa khung cảnh làng quê bình yên, thơ mộng là cụm di tích đình – đền – chùa Triều Khúc.  
Đình là trung tâm diễn ra lễ hội của làng. Ở Triều Khúc có hai đình là đình Sắc (nơi để sắc phong) và đình Đại hay còn gọi là Đình Lớn (nơi thờ Phùng Hưng). Kiến trúc của cả hai ngôi đình đều còn nguyên vẹn như xưa. Đình có quy mô kiến trúc lớn, gồm tam quan, phương đình, hai dãy nhà giải vũ, đại đình và hậu cung. Tam quan là một ngôi nhà gạch ba gian kiểu vì kèo. Sau tam quan là phương đình hai tầng, tám mái, mười sáu cột (bốn cột cái lớn và mười hai cột quân), các kẻ chạy từ cột cái tới nóc. Các đầu kẻ có chạm rồng và lá, đầu dư chạm hình đầu rồng thời Nguyễn, góc mái uốn cong, bờ dải đắp nổi hình rồng, phượng hướng về nóc mái. Qua sân là hai nhà giải vũ song song với phương đình.  
Đại đình là kiến trúc chính gồm năm gian lợp ngói ta, với 24 cột, bốn hàng dọc, sáu hàng ngang, ba mặt xây tường gạch. Hậu cung là một ngôi nhà ba gian nối với gian giữa đại đình tạo nên kiến trúc hình chữ "đinh". Đây là nơi đặt long ngai bài vị, đồ thờ tự và mười một đạo sắc phong, sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1784), muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).  
Đền Triều Khúc được xây ở giữa làng, trông ra hồ rộng. Đây là ngôi nhà rộng, phía trong có hệ thống sàn, trước sau đều để trống, thoáng đãng. Sau ngôi nhà này là ngôi nhà làm nơi thờ (có thể gọi là tiền đình), nối liền với hậu cung, 2 bên đầu hồi có tường nối suốt cả ba toà. Đền Triều Khúc được chạm trổ khá công phu.  
Chùa Triều Khúc có tên chữ là Hương Vân tự, có quy mô to lớn, bao gồm tam quan, tam bảo, tiền đường, thượng điện, hai dãy hành lang, nhà Tổ. Chùa toạ lạc phía bên kia bờ hồ đình và đền Triều Khúc, trong một khuôn viên có nhiều cây cổ thụ sum suê. Tam quan hai tầng mái ở cửa chính và 2 cửa phụ, có bốn cột trụ biểu. Nhà tiền đường gồm năm gian, tường hồi bít đốc tay ngai bờ nóc đắp cuốn thư. Toà thượng điện 5 gian nối với tiền đường tạo hình chuôi vồ. Phật điện có 52 pho tượng được tạo tác từ thế kỉ 18 và thời Nguyễn.  
Đình - đền - chùa Triều Khúc đều đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật - Kiến trúc ngày 29/01/1993.  
Ngoài ra, làng Triều Khúc còn được giới sử học công nhận làng cổ từ khi các nhà khảo cổ học tìm thấy di chỉ khảo cổ học với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên dưới 3.500 năm, trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu của làng.  
Đến Triều Khúc vào mùa lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của những phong tục văn hóa và sinh hoạt dân gian truyền thống. Để nhớ ơn người đã đem lại cuộc sống ấm no cho mình, dân làng đã thờ ông tổ nghề tại đình Lớn cùng với vị Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (770 - 798). Hằng năm, làng tổ chức lễ hội tại đình Lớn để ghi nhớ công ơn tổ nghề và thao diễn lại trận đánh oanh liệt của vị Đại vương mà dân làng vẫn tôn kính phụng thờ.  
Lễ hội Triều Khúc được tổ chức từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng. Vào sáng mùng 10, lễ tế chính thức được tiến hành ở đình Lớn. Theo truyền thuyết thì đây là lễ Tức vị (lễ lên ngôi) của Phùng Hưng. Trong lễ tế thường có hai điệu múa rất nổi tiếng là múa Rồng và múa Trống Bồng. Ngoài ra, hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát Chèo Tàu. Sới vật Triều Khúc cũng là một trong những sới nổi tiếng, thu hút khá đông các đô vật nơi khác về tham dự: Bắc Ninh, Gia Lâm, Mai Động...   
Giữa phố phường tấp nập được lắng mình trong không gian văn hóa của làng cổ Triều Khúc quả là một điều đáng quý. Có thể nói làng Triều Khúc với những phong tục văn hóa truyền thống và những lễ hội dân gian đã thể hiện sâu sắc cốt cách và nét đẹp tâm linh của người Hà thành. Những nét văn hóa nguyên sơ ấy đã được người dân nơi đây lưu truyền từ đời này qua đời khác và chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian…

Tags: ,

0 Responses to “Làng Triều Khúc – trầm mặc giữa phố phường”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|