24 thg 11, 2010

Thăng trầm ca trù xứ Nghệ

Nghệ An là một trong những cái nôi của văn nghệ dân gian, trong đó có ca trù.Trải qua nhiều thế kỷ, ca trù ở đây có lúc tưởng chừng như không tồn tại được nhưng cho đến nay nó đã thực sự được hồi sinh và trở thành “đặc sản” của người dân địa phương.


Tại đây, ca trù xuất hiện đầu tiên dưới dạng các phường hát và thủ phủ của nó là thành phố Vinh. Lúc hưng thịnh, có hẳn một tụ điểm chuyên nghiệp ở Cống Đệ Nhị, nhân dân quen gọi là phố cô đầu. Từ thành phố Vinh, ca trù đã lan rộng và phát triển ở một số địa phương như thị trấn Đô Lương, Thái Hoà (Nghĩa Đàn), Cầu Giát, Diễn Châu…Những người yêu thích nghệ thuật hát ca trù đã liên kết với nhau tổ chức thành các phường hội hát ca trù. Nhiều nơi nhân dân còn gọi là phường nhà trò hay phường nhà tơ…Tại các phường hội này, các thành viên say mê luyện tập không chỉ phục vụ các dịp lễ tết, đình đám mà còn đáp ứng yêu cầu giải trí, hát chơi, đối đáp giữa những nhà nho, các bậc sĩ tử uyên thâm. Khác với ở mọi nơi, ở Nghệ An các phường ca trù chia làm hai loại: tiểu hàng và đại hàng.

Tiểu hàng là phường ca trù hay còn gọi là gánh hát nhà trò, nhà tơ gồm ít thành viên thường chỉ có vài đào kép với vài ba đào nương nằm gọn trong một gia đình hay một gia tộc, chủ yếu phục vụ các đám đình nhỏ. Đại hàng là phường ca trù của một dòng họ nổi tiếng. Thành viên là những người trong họ nên gọi là “tộc giáo phường”. Tộc giáo phường chỉ truyền nghề cho những người trong dòng họ, chỉ khi nào thật cần thiết thì mới mở rộng ra truyền nghề cho những người thuộc dòng họ khác. Tiền thân của tộc giáo phường là những quản giáp, đào nương lừng danh đã từng chầu hát ở cung vua, phủ chúa…vì vậy thường rất được tôn sùng, được mời hát ở mọi nơi hội hè đình đám, tư gia, khao lão, vọng sắc… quan trọng.

Tuy nhiên, dù là đại hàng hay tiểu hàng thì những thành viên ở các phường này cũng không lấy cầm ca là nghề chính mà chỉ coi đó như một cái thú…chủ yếu họ vẫn sống bằng nghề nông hoặc thủ công. Ban ngày đi làm, tối về họ vẫn luyện tập ca hát để giữ gìn và phát huy tiếng hát của mình. Để trở thành đào nương giỏi cần phải luyện tập rất công phu, kỹ thuật tỉ mỉ đặc biệt là luyện thanh giọng sao cho phù hợp với từng bài, từng thể loại….Thời gian này, ở Nghệ An ca trù đã trở thành môn nghệ thuật chính phục vụ mọi sinh hoạt cộng đồng quan trọng của địa phương. Đặc biệt là trong nghi thức tế thần để chúc tụng thần, mua vui cho thần cầu mong cho dân làng được thái bình, yên ổn làm ăn phát đạt, người người được khoẻ mạnh…Những đào nương hát trong nghi lễ này phải là những người có đạo đức, sống trong sạch, có học hành chữ nghĩa thì mới hiểu được nội dung các bài hát ca trù mang tính bác học, nhiều điển tích, âm luật…

Được người dân ưa chuộng, ca trù có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người dân. Ca trù cũng trở thành một hoạt động quan trọng của dân làng trong các dịp lễ tế nguyên đán, khai hạ, thượng nguyên, kỳ phúc…đặc biệt ca trù còn được đưa vào lệ làng trong các hương ước địa phương có ca trù ảnh hưởng sâu rộng nhất và ghi nhiều nhất trong hương ước của địa phương đó là xã Đào Viên và xã Hạnh Lâm (Diễn Châu- Nghệ An).

Dưới triều đại phong kiến đặc biệt triều Lê trung hưng và đầu đời Nguyễn ca trù được tôn sùng vì vậy có lẽ đây cũng là giai đoạn hưng thịnh nhất của ca trù Nghệ An nói riêng và ca trù người Việt nói chung. Thời thực dân Pháp đô hộ, xã hội bắt đầu bị Âu hoá, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của một lớp người, các ca giám ở đây đều chuyển thành các phố cô đầu. Các đào nương đã bị tha hoá bởi đồng tiền, dùng tiếng hát để mua vui cho khách, phục vụ những nhu cầu thấp hèn của khách vì vậy mà lúc này người dân đã có cái nhìn coi thường, miệt thị các đào nương và cũng vì thế mà họ cũng bớt tôn sùng môn nghệ thuật vốn rất thiêng liêng này.

Ngày nay chân giá trị của những nghệ thuật dân tộc đặc sắc đã đang được phục hồi bởi những người yêu tha thiết ca trù, tâm huyết, muốn phục hồi lại vốn cổ của dân tộc. Những đào nương còn lại mặc dù đã 80- 90 tuổi nhưng họ vẫn sẵn sàng tham gia vào các câu lạc bộ ca trù ở địa phương, truyền dạy cho các con cháu. Từ đội ca trù Diễn Liên đã phát triển thành CLB ca trù Diễn Liên rồi CLB ca trù Diễn Yên, Diễn Hoa, Diễn An, Diễn Mỹ…cũng ra đời. Từ 2 thành viên ban đầu đến nay các CLB cũng có tới hàng chục thành viên hàng ngày vẫn say sưa tập luyện để phục vụ nhân dân và giao lưu với bạn bè các tỉnh lân cận.


Huy vọng rằng với loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, cùng lòng say mê tận tuỵ của những thành viên CLB ca trù Nghệ An sẽ phục dựng lại được những thế loại ca trù đặc sắc của địa phương mình, để từng bước đưa ca trù phát triển và ăn sâu vào đời sống của người dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc.


K.T-Theo cpv.org.vn

Tags:

0 Responses to “Thăng trầm ca trù xứ Nghệ”

Blogroll

VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

Vanhoanguoiviet.com muốn gửi tới cho các bạn phong tục, tập quán,làng nghề, trang phục cũng như món ăn cổ truyền của người Việt từ xưa tới nay.

Được phát triển bởi Nguyễn Hiền|